Kinh nghiệm mua xe cũ : Kiểm tra máy móc xe
Nếu không biết chắc, biết rõ về lý lịch xe và chủ xe, tốt hơn bạn nên đi tìm một “ứng viên” khác mà mình có thể kiểm tra trước về tình trạng dầu nhớt cho chắc ăn.
Sau khi kiểm tra về thân vỏ, các bộ phận bên ngoài chúng ta cũng cần quan tâm đến một số vấn đề bên trong máy móc ,Hôm nay, xin nói đến việc kiểm tra máy móc. Nhưng bạn có thể hỏi, “tôi không là thợ máy chuyên nghiệp thì biết gì mà kiểm tra?”
Thăm máy trước khi lái thử:
Dù không phải là thợ máy chuyên nghiệp, bạn vẫn có thể kiểm tra được nhiều điều liên quan đến máy móc. Trước tiên là kiểm tra tình trạng dầu nhớt. Xe cần có những thứ dầu nhớt sau đây:
Nước Làm mát (cũng gọi là Anti-freeze)
Dầu máy (engine oil)
Dầu hộp số (transmission fluid)
Dầu thắng (brake fluid)
Dầu tay lái (steering fluid)
Dầu nhớt cần phải được thay mới theo định kỳ. Nếu may mắn gặp được một chủ nhân chịu khó giữ lịch bảo trì, thay dầu nhớt đúng thời hạn, thì chiếc xe sẽ chạy rất bền, bất kể thời gian là 10 năm, hay 20 năm. Bằng không thì dù chưa tới 10 tuổi hoặc chưa đi hết 100.000 dặm đầu tiên, cái xe cũng đã bước vào thời kỳ lão hóa, rước về chỉ tổ nặng gánh cho người chủ sau.
Chính vì vậy chúng ta nên hỏi xem biên nhận về các lần bảo trì. Nhưng nếu chủ nhân không có biên nhận bảo trì, thì đừng vội kết luận là đương sự chểnh mảng. Có thể họ cũng giống chúng ta mà thôi. Rút kinh nghiệm về việc này, nếu là chủ xe, chúng ta hãy cố gắng giữ lại các thứ giấy tờ này để dễ dàng cho việc bán xe về sau.
Vậy điều quan trọng là phải biết quan sát và đánh giá được những gì mình quan sát về tình trạng dầu nhớt.
Trước tiên, nhấc nắp đậy đầu máy (Hood) lên, và nhìn tổng quát một vòng bên trong, xem máy có sạch không? Có dấu hiệu dầu nhớt rò rỉ: Nước Coolant? Dầu tay lái? Dầu Hộp Số? Dầu Thắng? Dầu Tay Lái? Nếu đầu máy dơ bẩn, bám nhiều bụi đất, hoặc không được khô ráo, thì nhiều phần đó là dấu hiệu rò rỉ. Ghi nhận hình ảnh này trong óc, là vì lái thử xong rồi, bạn cũng còn phải xem lại một lần nữa.
Kiểm tra nắp bình dầu nhớt, xem nắp có dơ không? Nếu nhớt mà sạch thì không thế nào nắp bình lại dơ được!
Rút que thăm nhớt ra khỏi bình, dùng một nùi giẻ chùi cho sạch, rồi lại nhấn que thăm vào bình, lấy ra và kiểm tra. Mức nhớt có đầy đủ không? Nhớt có đen bẩn không? Đen và bẩn là 2 dấu hiệu cho thấy chiếc xe không được bảo trì đúng mức. Đồng thời, tìm xem có hạt nước nào lẫn trong nhớt dính trên que thăm không? Nếu có, đây chính là một dấu chỉ “head gasket” (miếng đệm giữa xi lanh và đầu lốc máy) có vấn đề, sửa chữa rất tốn kém.
Kiểm tra két nước khi máy đã nguội hẳn: Mở nắp bình, và quan sát mặt nước: Nước coolant có sạch và xanh (hoặc vàng, tùy màu nước nguyên thủy) không? Hay là xỉn như có rỉ sét? Nếu thấy một màng nhớt mỏng nổi lềnh bềnh trên mặt nước coolant thì đó là điểm chẳng lành: “head gasket” có vấn đề trầm trọng. Nước mà có màu xỉn như màu rỉ sét, tức là bình nước hoặc bên trong blốc máy có chỗ rỉ sét, chứng tỏ chiếc xe đã bị bỏ bê, không được săn sóc hoặc không biết cách săn sóc đúng mức.
Nói về việc thăm nhớt, cần phải biết điều này: Đa số xe được trang bị que thăm. Tiếc thay, nhiều xe không có dụng cụ đơn sơ này. Xe không có que thăm dầu nhớt thật là bất tiện cho người đang tìm mua xe. Nếu không biết chắc, biết rõ về lý lịch xe và chủ xe, tốt hơn bạn nên đi tìm một “ứng viên” khác mà mình có thể kiểm tra trước về tình trạng dầu nhớt cho chắc ăn.
Ngoài ra, chúng ta nên coi cái bình điện (battery). Nếu thấy các cọc bình bị ăn mòn quá nhiều với “muội” trắng phùn đầy, thì đây lại là một dấu hiệu cho thấy chủ xe săn sóc xe không được cẩn thận lắm.
Kết hợp với tình trạng dầu nhớt không hợp lý, lại thêm dấu chỉ về sự bê trễ cẩu thả của chủ xe, người mua có thể good-bye, không có gì tiếc nuối.
Đó là những điều cần kiểm tra khi xe chưa nổ máy. Xe nổ máy còn cho chúng ta biết nhiều dấu hiệu khác, xin hẹn các bạn lần sau.
Leave a Reply